Tối ưu website từ những chi tiết nhỏ #1

viết bởi sonmarketing
401 lượt xem
tối ưu website bài 1

Đây là chuỗi bài viết Sơn liệt kê những yếu tố về giao diện và chức năng của một website thông thường nên được thiết kế lại để mang đến trải nghiệm người dùng tốt hơn và bán hàng hiệu quả hơn. Những điều này dựa trên nghiên cứu hành vi của hơn 2000 khách hàng vào website trong suốt 6 tháng vừa qua bằng công cụ Microsoft Clarity (Sơn đã có bài hướng dẫn).

#1 Nên bổ sung section hiển thị danh mục trên trang chủ và trang con (ở giao diện di động)

Ở giao diện máy tính, dường như không có khó khăn gì đối với người truy cập nếu muốn tìm một danh mục sản phẩm. Tuy nhiên, ở phiên bản di động của web, menu thường sẽ được thu nhỏ lại, người dùng không thấy trước được các danh mục có trên website.

Điều này sẽ làm cho họ bớt hứng thú hơn và có thể thoát trang khi không tìm kiếm được điều họ cần tìm. Số lượng khách mày mò click vào menu website trên di động rất hạn chế (tại Việt Nam).

Đây là giao diện thông thường khi website hiển thị trên di động:

Hiển thị danh mục kém trực quan khi truy cập web bằng di động

Ở giao diện thông thường này, để tìm được danh mục, khách hàng sẽ phải ấm vào icon Menu, sau đó Menu sẽ được hiển thị và người dùng lại phải ấn tiếp vào mục sản phẩm để các danh mục được sổ xuống. Quả thật giấu quá kỹ rồi 😀

Cách thay đổi Sơn đề xuất như sau:

Đầu tiên đối với trang chủ và trang sản phẩm, các danh mục nên được hiển thị trong màn hình chính luôn và được hiển thị trực quan nhất có thể. Vừa thuận tiện lại vừa thu hút khách hàng.

Trong menu trên di động, thay vì nhét menu cấp 2, hãy tạo 1 phần trong thanh menu hiển thị trực qua danh mục.

Sơ đồ như sau:

Sơ đồ hiển thị danh mục trên trang chủ để tối ưu website
Sơ đồ hiển thị danh mục trên trang chủ

#2 Đừng lạm dụng quá livechat / Messenger chat

Thực sự nhiều người nghĩ rằng bổ sung thêm 1 tùy chọn nhắn tin qua livechat / Facebook Messenger là một cách để tạo thuận tiện cho người dùng. Theo Sơn không hẳn là thế. Thông thường mọi người thường để phần livechat / Messenger này tự động bật lên như hình dưới:

Messenger chat che mất nội dung website
Messenger chat che mất nội dung website

Hiển thị mặc định bật của các công cụ livechat sẽ làm cho nội dung trang web bị che khuất khi người dùng lướt trang. Phần lớn những người truy cập website có phần này tự động bật họ đều phải click tắt sau 10s khi họ vào web.

Và cá nhân Sơn nghĩ khách hàng khi vào web họ sẽ cần 1 thời gian tự tìm hiểu thông tin trước khi liên hệ. Bạn phải tối ưu thông tin tốt, cung cấp thông tin đầy đủ, thuận tiện cho khách hàng. Chưa gì đã phóng vào tầm mắt khách một thanh chat che hết đường đi lối về quả thật gây phiền và không hiệu quả.

Website ở thế giới ít khi sử dụng livechat, đặc biệt là Facebook Messenger chat, một kẻ thù cho trải nghiệm khách hàng (vì nó quá chậm và choán quá nhiều diện tích lại phải trải qua nhiều bước lằng nhằng để chat được, vote loại bỏ).

Phương án Sơn đề xuất:

  • Tối ưu nội dung, trình bày thật tốt để khách không cần phải liên lạc trực tiếp nhiều. Nếu cung cấp đủ thông tin họ sẽ không vội chat ngay đâu
  • Tắt tính năng tự động bật của công cụ chat
  • Gom các kênh liên lạc thành 1 nhóm

Như hình sau là một phương án khá hay và phù hợp vì trang web này chuyên về đồ ăn, nhiều khách hàng có thể muốn order nhanh luôn, việc cung cấp các phương tiện liên lạc trực quan là rất hợp lý:

Hiển thị thông tin liên hệ trực quan rất cần thiết đối với 1 số lĩnh vực
Hiển thị thông tin liên hệ trực quan rất cần thiết đối với 1 số lĩnh vực

#3 Đừng bỏ qua Footer

Sau nhiều tuần liền theo dõi recordings của các website bên Sơn đang phụ trách, Sơn nhận ra 1 điều: FOOTER (chân trang) là nơi được để ý nhiều đối với những khách vào bằng điện thoại di động. Điều này trái ngược với những gì Sơn nghĩ trước đó: cho rằng footer không quá quan trọng.

Nguyên do là xưa giờ toàn chú trọng vào giao diện trên máy tính. Khi dùng máy tính để duyệt web thì tầm mắt bao quát hơn và thường ánh nhìn chỉ tập trung từ phần giữa cho đến phần trên, phần dưới thường bị bỏ qua.

Tuy nhiên với giao diện điện thoại thì khác, khách không biết được lúc nào trang sẽ hết. Do đó cho nên thậm chí khi đã lướt hết trang nhiều người còn muốn lướt thêm, trong Clarity người ta có đo chỉ số này lại (để biết website của bạn có cung cấp đủ cho khách thông tin họ cần không hay họ vẫn đang đói khát thông tin). Khi đó, giao diện footer sẽ được người dùng để ý hơn và họ tìm kiếm nhiều thứ hơn. Hãy cung cấp cho họ những thứ quan trọng nhất trong footer.

Chẳng hạn, thêm những sản phẩm được ưa thích nhất, những đường link quan trọng trong website, v.v.v…
Điều này khi mọi người dùng Microsoft Clarity sẽ nhận ra thôi…

Tối ưu lại footer thôi nào. Mình đã bỏ em “Chân” này lâu rồi.

Chân trang của JUNO không thực sự tốt lắm, người dùng cần được điều hường từ đây trở đi

Kết

Phần một của serial này sẽ kết thúc tại đây, hẹn mọi người ở phần kế tiếp. Phần kế tiếp thì Sơn sẽ mổ xẻ trang Sản phẩm – đây là trang mà đa số mọi người làm web thường hay bỏ qua và làm theo một mô tuýp cơ bản nhưng lại là trang quan trọng nhất nhì và ảnh hưởng lớn đến kết quả mua hàng.

Bài thứ 2 sẽ không được gửi công khai. Mọi người có thể đăng ký theo đường link sau để nhận bài [link bị ẩn].

[fluentform id="2"]

Bài viết gợi ý

Để lại bình luận