Khi bạn vừa mới đạt được giai đoạn ổn định đầu tiên trong kinh doanh, bắt đầu có lãi với quy mô doanh thu nhỏ, bạn sẽ làm gì để mô hình kinh doanh của mình bền vững hơn cũng như có thể tạo đà để bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo?
Sơn đã từng làm những dự án xây dựng website, SEO cho nhiều bạn đang ở giai đoạn như thế. Điều mà các bạn đều quan tâm là liệu có kênh Marketing nào, chiến lược Marketing nào khác mang lại doanh thu bền vững nhưng ngân sách tiết kiệm và việc thực hiện không quá khó khăn hay không?
Do đó Sơn thực hiện bài viết này để chia sẻ những kinh nghiệm mà Sơn có được qua những dự án thực tế mà mọi người có thể áp dụng ngay.
Như Sơn có nói thì những chiến lược này chỉ phù hợp với những bạn vừa mới đạt được giai đoạn đầu tiên trong kinh doanh. Có thể các bạn đang chi tiêu nhiều ngân sách cho việc chạy ads và đang muốn xây dựng những kênh bán hàng bền vững, ít chi phí hơn.
Bắt đầu thôi nào!
À quên, trước khi vào cụ thể từng chiến lược thì Sơn sẽ trình bày những nguyên tắc cốt lõi mà Sơn nghĩ những người kinh doanh cần đáp ứng được nếu muốn áp dụng các chiến lược của Sơn.
Mục lục bài viết
Những nguyên tắc cốt lõi
Nguyên tắc #1: Bắt đầu bằng sản phẩm tốt và luôn tìm cách cải tiến sản phẩm
Thường khi mới bắt đầu kinh doanh mọi người hay suy nghĩ để làm sao có thể bán hàng tốt và đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc cải thiện hoạt động Marketing. Nhưng với trải nghiệm kinh doanh lâu năm cũng như bằng sự quan sát và sự chia sẻ của những người kinh doanh khác, Sơn nhận thấy tất cả đều sẽ quay về cốt lõi ở chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm tốt sẽ giúp cho các nỗ lực bán hàng đạt hiệu quả gấp nhiều lần. Tương tự như nguyên lý hòn tuyết lăn, nếu có được những sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả của MKT sẽ được tích lũy qua nhiều giai đoạn, khía cạnh và sẽ tạo ra được thay đổi to lớn trong tình hình kinh doanh. Tất nhiên chất lượng sản phẩm tốt cũng cần một kế hoạch MKT phù hợp.
Như trong bài viết trước Sơn có chia sẻ, nhiều khi mọi người tìm mọi cách, mọi thủ thuật để giá quảng cáo rẻ hơn nhưng lại quên mất việc cải tiến chất lượng sản phẩm.
Nguyên tắc #2: Tôn trọng trải nghiệm của khách hàng
Ngoài chất lượng sản phẩm, khách hàng hiện nay cũng rất lưu tâm đến thái độ đối với khách hàng của shop hay trừu tượng hơn là giá trị bổ sung mà khách hàng nhận được khi mua 1 sản phẩm. Điều này đôi khi là yếu tố chính quyết định khách quay lại mua hàng hay giới thiệu người khác mua hàng. Và hệ quả là ảnh hưởng đến chi phí MKT để có được khách hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Đã qua rồi thời kỳ các nhà bán hàng dắt mũi khách hàng bằng các chiêu trò khác nhau. Ngày nay khách hàng thông thái hơn và họ quan tâm đến nhiều thứ hơn khi mua hàng. Do đó nếu như bạn hướng đến xây dựng sự bền vững thì tôn trọng trải nghiệm của khách hàng khi mua hàng là một điều kiện bắt buộc đối với bạn cũng như đội ngũ nhân sự làm việc trực tiếp hay gián tiếp với khách hàng.
Nguyên tắc #3: Xác định và phân loại kênh chính, kênh phụ / kênh mũi nhọn, kênh bền vững
Khi kinh doanh càng phát triển về quy mô, chúng ta càng quan tâm nhiều hơn đến sự bền vững. Ví dụ như khi càng đổ nhiều tiền cho những chiến dịch quảng cáo, bạn lại càng mong muốn có được những kênh bán hàng bền vững hơn, hỗ trợ cho doanh thu và lợi nhuận. Do đó khi thực hiện các hoạt động bán hàng, bạn cần phân loại được kênh nào sẽ là kênh chính để tập trung vào, kênh nào sẽ là kênh bổ sung. Phân loại theo chiến lược giai đoạn thì cần xác định kênh mũi nhọn (ví dụ FB Ads, Google Ads), kênh nào là kênh bền vững.
Kênh mũi nhọn thường được dùng cho những mục tiêu tăng doanh thu ngắn hạn. Còn kênh bền vững thường mất nhiều thời gian cũng như ngân sách đầu tư giai đoạn ban đầu nhưng lại thu được kết quả trong dài hạn lâu bền hơn.
Khi đã xác định được thì bạn sẽ cân đối được ngân sách dành cho các kênh khác nhau.
Những chiến lược / kênh Marketing bền vững và tiết kiệm dành cho shop nhỏ
Và sau đây là những chiến lược / kênh Marketing Sơn gợi ý cho các shop nhỏ áp dụng với mục tiêu tạo thêm nguồn doanh thu ổn định với chi phí đầu tư tiết kiệm, cũng như khá đơn giản để có thể bắt đầu thực hiện. Ứng với mỗi chiến lược Sơn sẽ đưa ra một số ví dụ để các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn.
Chiến lược #1: Áp dụng CRM, Marketing Automation vào quy trình kinh doanh
Chiến lược đầu tiên chính là khai thác tài sản hiện có của bạn: dữ liệu khách hàng mua hàng. Nói đến CRM có thể nhiều người sẽ nghĩ nó là gì đó to tát và chỉ phù hợp với những công ty lớn, mất nhiều thời gian để nhập liệu và không giúp ích gì nếu kinh doanh nhỏ lẻ.
Cho những bạn chưa biết thì CRM nôm na là một hệ thống quản lý dữ liệu cũng như những tương tác giữa khách hàng với shop.
Nhưng những suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng. Đầu tiên thì cho dù dữ liệu khách hàng ít thì việc khai thác trong số những dữ liệu ít ỏi đó vẫn có thể mang lại doanh thu cao hơn (ví dụ nhiều shop bán cho rất ít khách hàng nhưng mỗi khách hàng lại mua số lượng nhiều và chu kỳ liên tục). Thứ hai, việc nhập liệu hoàn toàn được tự động hóa bằng cách tích hợp với các kênh giao tiếp với khách hàng như FB, Zalo, Hotline, Website,… Gần như các hệ thống CRM hiện nay đều có thể tự động xây dựng dữ liệu chứ bạn không phải nhập tay.
Về lợi ích, CRM sẽ giúp bạn thực sự nắm trong tay khách hàng của bạn. Tài sản này sẽ ngày một được gia tăng và nếu CRM kết hợp với MKT Automation thì sẽ giúp bạn tạo được một chu trình tự động hóa việc tăng doanh thu, tuy nhiên không phải là một sự tự động máy móc mà là một sự tự động thông minh và mang tính cá nhân hóa với từng khách hàng.
Về vấn đề này Sơn đã có bài viết chi tiết về CRM và Marketing Automation tại đây.
Về công cụ hỗ trợ, đối với những shop kinh doanh nhỏ bạn có thể sử dụng phần mềm POS của Pancake. Đây là phần mềm CRM miễn phí và có khả năng tích hợp với nhiều nền tảng khác để giúp bạn có thể xây dựng hệ thống CRM của mình từ những khách hàng đầu tiên.
Chiến lược #2: Xây dựng Website + SEO
Thường mọi người sẽ nghĩ việc xây dựng website mang tính chất hình thức nhiều hơn hoặc để chạy quảng cáo. Khi nhắc đến SEO thì mọi người thường lắc đầu ngao ngán vì những báo giá đến hàng trăm triệu một dự án.
Thực tế thì website hoàn toàn có thể biến thành một kênh bán hàng bền vững mà không tốn nhiều chi phí bằng chiến lược SEO mà không cần SEO như Sơn đã chia sẻ tại đây.
Tóm lược lại là bạn hoàn toàn có thể SEO lên top Google mà không cần biết kỹ thuật SEO, đơn giản chỉ là việc mang đến giá trị cho khách hàng thông qua những bài viết có ích và đầy đam mê.
SEO hoàn toàn không khó nếu bạn am hiểu sản phẩm, am hiểu khách hàng và có đam mê với sản phẩm mình đang kinh doanh.
Binhdinhfoody.com là website bên Sơn xây dựng cho khách hàng nhưng không thực hiện chiến lược SEO. Chủ nhân của thương hiệu này là một bạn nữ 9X có tầm nhìn. Thời gian đầu, tuy website chỉ đăng những bài viết về ẩm thực và du lịch Bình Định rất đơn thuần, không tối ưu SEO theo các kỹ thuật chuyên môn nhưng lại có kết quả khá ấn tượng, đạt được khoảng 3000 lượt traffic mỗi tháng từ kết quả tìm kiếm và góp phần giúp shop đạt doanh thu ổn định.

Chiến lược #3: Tận dụng Youtube và Facebook
Ngoài Google, hiện nay khách hàng cũng sử dụng Youtube và Facebook để tìm kiếm sản phẩm khi có nhu cầu, hoặc để nghiên cứu, xem đánh giá về sản phẩm.
Bản thân Youtube hay Facebook cũng có thể coi là một công cụ tìm kiếm để bạn làm SEO trên đó, cũng như phát triển được một lượng khách hàng tiếp cận tự nhiên.
Để phát triển nội dung trên Youtube cũng không quá phức tạp hay đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên môn, bạn có thể bắt đầu bằng smartphone và những thước phim chân thật nhất về sản phẩm hay quá trình sản xuất, chế tác sản phẩm đó. Nhiều khách hàng cũng mong muốn tìm được những video chân thật về sản phẩm chứ không phải là những video “hành tá tràng”.
Đây là kênh Youtube được xây dựng với mục đích bán xe máy cũ ở Dĩ An, Bình Dương. Từ những ngày đầu đến nay, các nội dung đăng lên kênh cũng không hề thay đổi: những video / livestream giới thiệu, báo giá về các sản phẩm xe máy cũ. Cách quay dựng rất thô sơ nhưng lại mang đến cảm giác chân thực. Video đều đặn được up lên. Tuy là vậy nhưng chỉ sau 2 năm kênh đã đạt được gần 40k lượt đăng ký. Hiện tại shop này đang là một trong những shop có doanh thu bán xe máy cũ cao nhất ở khu vực Bình Dương cũng như miền Nam (thông tin chưa chính thức).

Về Facebook, trước đây Sơn có tạo những fanpage có chứa từ khóa là tên sản phẩm + yếu tố phụ (chẳng hạn tỉnh thành), về sau Sơn để ý những fanpage này lâu lâu lại có khách hàng inbox hỏi mua hàng dù cho Sơn không còn đăng bài trên đó. Dó đó bên cạnh fanpage chính, tạo những fanpage vệ tinh với tên fanpage chứa từ khóa sản phẩm (mà khách hàng dùng để tìm kiếm) cũng là một cách để có thêm khách hàng bền vững.
Đây là một fanpage Sơn xây dựng cách đây 2 năm lúc còn kinh doanh gốm sứ Nhật. Tuy đã 2 năm rồi fanpage không đăng bài mới nhưng liên tục vẫn có tin nhắn inbox hỏi mua hàng:

Chiến lược #4: Affiliate Marketing / CTV / Dropship
Xây dựng kênh tiếp thị liên kết để những người khác có thể bán sản phẩm của bạn mà không cần nhập hàng cũng là một kênh rất thích hợp trong giai đoạn này, giai đoạn lên ngôi của truyền thông cá nhân. Ngày nay, mỗi cá nhân có thể sở hữu những kênh truyền thông riêng như Tiktok, Facebook, Youtube và họ có thể là những nhân tố giúp bạn bán hàng tốt nhất.
Về mặt kỹ thuật, nếu website của bạn được xây dựng trên nền tảng WordPress thì không quá khó để có thể thiết lập một hệ thống Affiliate Marketing mà người khác có thể đăng ký và tạo đường link để bắt đầu tiếp thị liên kết. Hoặc một phương án khác là bạn có thể đăng sản phẩm của mình lên các nền tảng CTV, Affliate hay Dropshi. Một số nền tảng đã được trang Martool review như:
Kết luận
Một khi bạn đã vượt qua được giai đoạn đầu tiên và có được doanh thu ổn định (tuy nhỏ), cũng chính là lúc bạn bắt đầu phân bổ lợi nhuận cho nhiều kênh hơn trong đó có những kênh sẽ mang đến sự bền vững, doanh thu trong dài hạn. Cũng giống như một thế cân bằng khi đi xe đạp, trong từng động tác nhưng cũng cần hướng xe về phía trước, các chiến lược phát triển MKT bền vững sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu và tránh ngã xuống khi chưa đến nơi.