Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực thiết kế website, đặc biệt là website bán hàng, Sơn nhận thấy hầu hết những người có nhu cầu thiết kế web đều hiểu sai về web, tốn nhiều chi phí làm web nhưng không khai thác được, làm cũng chỉ làm cho có.
Tuy từ khi có Internet mọi người đã biết đến website và làm website khi có nhu cầu rồi nhưng lĩnh vực này vẫn còn mơ hồ với phần đa mọi người. Cốt yếu nhất ít người hiểu được những cách thức để khai thác một website và tăng doanh thu từ nó, chứ không phải chỉ để website như là một kênh thông tin thụ động.
Bài phân tích này Sơn sẽ đề cập đến những sai lầm cũng như chia sẻ những phương pháp để mọi người khai thác website hiệu quả hơn.
Đầu tiên, xin nói về những hiểu nhầm của mọi người trước khi có ý định làm website.
Mục lục bài viết
Làm website để có nhiều khách hàng hơn
Sự thật: website không tự nhiên kéo thêm khách hàng cho bạn nếu bạn không làm gì khác. Cụ thể, website chỉ là nơi trình bày các thông tin mà bạn biên soạn hay thường được coi như là một trang đích. Nếu như bạn không kết hợp website với các công cụ Marketing khác, không có phương án để tăng truy cập vào website thì website vô dụng.
Do đó: Đừng bao giờ làm website nếu như bạn chưa biết khai thác website như thế nào. Hãy xin tư vấn của các chuyên gia hoặc có thể tìm hiểu thêm trong các bài viết của Sơn để xây dựng nên một kế hoạch khai thác website hiệu quả.

Xây dựng kế hoạch phát triển website trước khi bắt tay làm web.
Sơn Marketing Blog
Giao cho đơn vị làm web xong là coi như xong
Sự thật: sau khi đơn vị website bàn giao cho bạn, mọi việc mới chính thức bắt đầu. Có nghĩa là đến lúc bạn phải “làm gì đó” với cái website rồi. Đơn vị làm web chỉ hoàn thành nền móng cơ bản nhất của website. Nó rất thô sơ và chưa thể tạo nên hiệu quả gì khác. Nếu bạn trông cậy vào sản phẩm thô này thì sẽ sớm thất vọng thôi.
Do đó: bạn cần hiểu vai trò của mình và liệt kê những công việc để phát triển website. Đây là một gạch đầu dòng trong số những công việc thường xuyên phải làm, thậm chỉ là hàng tuần, hàng ngày. Các công việc đó thường sẽ là: viết bài mới, đăng sản phẩm mới, tối ưu từ khóa và quản lý hoạt động / hiệu quả của website. Bạn càng làm những phần việc này một cách nghiêm túc, kết quả thu được từ website sẽ càng cao do khả năng được tìm kiếm của bạn ngày một được cải thiện và các công cụ tìm kiếm đánh giá cao website của bạn hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần phải tìm hiểu về hành vi của khách hàng khi vào website của mình để có những điều chỉnh cần thiết. Ví dụ như tại sao họ không mua hàng? Liệu thông tin trên website có vấn đề gì không? Cần viết lại bài viết hay thay đổi điều gì không? v.v.v… Sơn sẽ có một bài chia sẻ về những thông số người dùng cần quan tâm ở bài viết sau.

Có được website chỉ là bước khởi đầu. Quá trình phát triển website về sau mới mang đến giá trị cho kinh doanh.
Sơn Marketing Blog
Phải làm một website thật đẹp, thật nhiều chức năng
Sự thật: Gần 80% lượt truy cập vào website của bạn sẽ đến từ thiết bị di động. Họ sẽ duyệt web trên một màn hình bé tí tẹo và gần như không quan tâm điều gì về đồ họa website. Điều họ quan tâm là thông tin họ tìm kiếm, dễ dùng và tốc độ nhanh.

Do đó: bạn nên hướng website của mình đến sự tối giản về thiết kế. Giao diện của website không quan trọng như bạn nghĩ, hãy cố gắng để nó đơn giản nhất có thể và hiển thị đúng trọng tâm những điều khách hàng cần tìm. Về chức năng, hãy đưa vào những chức năng thiết yếu nhất và bỏ qua những chức năng không quá quan trọng vì càng nhiều chức năng, website càng rối rắm, chậm chạp, kém thân thiện với người dùng và nhiều khi khiến cho người dùng bỏ cuộc.
Đó là những lầm tưởng thường khi của những người mới có ý định làm web. Vậy còn sau khi nhận web, trong quá trình vận hành website thì sao? Sơn sẽ cùng bạn điểm qua tiếp những sai lầm tiếp theo.
Website xấu hay đẹp không quan trọng bằng hiệu quả hay không hiệu quả.
Sơn Marketing Blog
Không có một kế hoạch SEO khi viết bài, đăng sản phẩm lên web
Sự thật: SEO không phải là một điều gì đó quá phức tạp như bạn nghĩ. Bạn hoàn toàn có thể nắm được phương pháp đưa website của bạn theo hướng chuẩn SEO và tự mình thực hiện để thu được những kết quả từ Google. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng SEO là phải đi thuê. Với kinh nghiệm của Sơn, bạn hoàn toàn có thể tự SEO cho website của mình. Tất nhiên ở mức độ cơ bản hơn nhưng chắc chắn sẽ mang đến hiệu quả.
Do đó: Hãy xây dựng kế hoạch bài viết theo các từ khóa được tìm kiếm và viết những bài viết chuẩn SEO, có nghĩa là đúng những nội dung được tìm kiếm, xoay quanh một từ khóa cụ thể và đúng cấu trúc chuẩn SEO (cấu trúc này không khó). Nhiều website có nhiều bài viết rất hay, rất tâm huyết nhưng không áp dụng chuẩn SEO nên cơ hội để người khác tìm kiếm thấy từ Google rất hạn chế. Cùng một nội dung, viết theo cấu trúc SEO sẽ có lợi hơn nhiều (tương tự đối với đăng sản phẩm).

Xây dựng website là 1 công việc liên tục, thường nhật.
Sơn Marketing Blog
Không theo dõi phân tích người dùng để điều chỉnh website
Sự thật: phân tích người dùng là một mỏ vàng nếu như mọi người để tâm và khai thác. Phân tích người dùng sẽ giúp chúng ta biết được khách truy cập đến từ đâu, từ khóa nào dẫn họ đến, họ có hứng thú với thông tin hay không, v.v.v… nếu như nắm được những điều này, bạn sẽ biết cách tối ưu được các bài viết tốt hơn, điều chỉnh website để tăng tỉ lệ bán hàng.
Lấy một ví dụ đơn giản, sau nhiều nỗ lực viết bài hoặc do may mắn, website của bạn tự nhiên có nhiều lượt truy cập hơn. Nếu bạn biết được nguồn gốc của những lượt truy cập này, bạn sẽ biết cách đầu tư Marketing vào kênh đó hơn, nếu bạn biết được khách truy cập trang nào nhiều, bạn sẽ tối ưu trang đó tốt hơn và hiển thị thông tin sản phẩm ở đó nếu như đó chỉ là 1 trang bài viết đơn thuần, v.v.v…
Do đó: hãy cài đặt ngay Google Analytics, Google Search Console khi ra mắt website. Bạn nhớ tìm hiểu về các công cụ này để nắm những điểm cơ bản (không cần quá chuyên sâu, lên Youtube xem các clip là hiểu). Và đừng quên thường xuyên xem báo cáo để điều chỉnh website.

Dựa theo hành vi khách hàng để cải thiện website mỗi ngày.
Sơn Marketing Blog
Không bao giờ bảo dưỡng website
Sự thật: Website theo thời gian sẽ chậm hơn, nhiều lỗi hơn, hiển thị không như mong muốn, tạo trải nghiệm khó chịu với khách hàng. Lý do là mã nguồn được nâng cấp hàng ngày, ngôn ngữ web cũng được nâng cấp thường xuyên, nếu như website của bạn không cùng nâng cấp thì sẽ bị chậm chạp, già nua và kém hiệu quả.
Do đó: hãy tìm một người có chuyên môn xem xét, cải thiện website sau khoảng 6 tháng sử dụng. Nếu có thêm kinh phí, hãy tìm một đơn vị giúp bạn đánh giá hiệu quả SEO của website và giúp bạn xây dựng kế hoạch SEO cho thời gian kế tiếp. (Đơn giản nhất, hãy liên hệ với Sơn). Chắc chắn bạn sẽ thấy hiệu quả website được cải thiện bất ngờ.
Website sau 6 tháng cần check lại một lần để refesh lại.
Sơn Marketing Blog
Checklist kiểm tra website
Cuối cùng, hãy kiểm tra lại danh sách gợi ý sau đây của Sơn để có thể khai thác tốt nhất hiệu quả đến từ website:
- Đã có kế hoạch xây dựng và phát triển website hay chưa?
- Cài đặt và theo dõi phân tích hành vi người dùng chưa?
- Áp dụng chuẩn SEO cho các bài viết hay chưa?
- Giao diện, chức năng có phù hợp với khách hàng, tốc độ có nhanh chưa?
- Website có cần bảo dưỡng chưa?
Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Nhớ đăng ký mail để nhận những bài viết mới từ Sơn Marketing nhé. Sơn cam kết sẽ mang đến những nội dung chất lượng, độc nhất và đến từ kinh nghiệm của Sơn. Đăng ký nhận thông báo nhé.
1 bình luận
Bài viết bổ ích, sát với thực tế nè, đã có một vài nỗi đau nên thấm =))